Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2019: Tìm giải pháp thúc đẩy sự phát triển bứt phá cho du lịch
VHO- Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam năm 2019 do Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ VHTTDL, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), Hiệp hội Du lịch Việt Nam và báo VnExpress tổ chức với chủ đề “Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh” diễn ra ngày 9.12 tại khách sạn JW Marriott Hà Nội.
Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam thu hút hơn 2.000 đại biểu tham dự
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng; Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục; Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình; Đại sứ toàn quyền Anh tại Việt Nam Gareth Ward và 2.000 khách mời là các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế, lãnh đạo các hãng hàng không, lữ hành, du lịch hàng đầu trong nước và khu vực đã tham dự Diễn đàn.
Đây là sự kiện cấp cao thường niên nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (ViEF) – diễn đàn đối thoại công – tư lớn nhất giữa Chính phủ cùng doanh nghiệp và khu vực tư nhân.
Diễn đàn đã thảo luận những vấn đề bức thiết để thúc đẩy du lịch phát triển đột phá
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các đề xuất, kiến nghị về bốn vấn đề: Tổ chức lại hoạt động quảng bá; cải thiện quá trình lập kế hoạch – đặt dịch vụ của du khách; nâng cao chất lượng điểm đến và phát triển hàng không. Trong đó, bài toán hành động để tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng hàng không, chắp cánh cho du lịch là một trong những vấn đề trọng tâm được trao đổi.
Trong khuôn khổ phiên toàn thể, diễn ra 3 lễ ký kết các biên bản ghi nhớ, hợp tác thỏa thuận giữa các bên để phát triển sản phẩm, dịch vụ, cải tạo hạ tầng, quảng bá điểm đến. Trong đó có ký kết hợp tác giữa TCDL với Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) về thành lập, vận hành hai văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại Anh và Australia.
Ký kết giữa Tập đoàn Visa và Hội đồng tư vấn du lịch TAB về hỗ trợ quảng bá điểm đến Việt Nam
Phiên toàn thể là cuộc gặp gỡ, đối thoại công – tư cấp quốc gia, khu vực để thảo luận những vấn đề, giải pháp thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam. Các đề xuất, kiến nghị của 4 phiên chuyên đề diễn ra đồng thời vào buổi sáng đã được báo cáo tại phiên toàn thể này. Trong đó, mỗi phiên chuyên đề có quy mô khoảng 100-150 khách, thảo luận 4 vấn đề trên.
Diễn đàn hướng đến 3 mục tiêu là thống nhất chương trình hành động để cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia; thúc đẩy giải các bài toán cấp bách về đầu tư, quảng bá, thu hút khách từ các thị trường chiến lược; nâng cao năng lực hàng không Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Vietjet Air, Tập đoàn Novaland, Vietnam Airlines, BIM Land, Công ty CP địa ốc Phú Long, Gami Theme Park, iVIVU, Netnam, Golden Gift.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng phát biểu tại phiên toàn thể
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tỉnh/ thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 67/136 năm 2017 và năm 2019 xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Trong đó các nhóm chỉ số tăng hạng nhiều nhất: Mức độ mở cửa quốc tế (+15); Sức cạnh tranh về giá (+13); Hạ tầng hàng không (+11) so với năm 2017.
Năm 2019, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới; được bình chọn là: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác tại Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019.
Ký kết thỏa thuận hợp tác Phú Long và MJ Group
Tháng 11 năm 2019, Việt Nam đón 1,81 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018. Đây là lượng khách cao kỷ lục của một tháng, gấp 1,5 lần lượng khách tháng 11.2017, gấp 2 lần so với lượng khách tháng 11.2016.
11 tháng đầu năm 2019, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt xấp xỉ 16,3 triệu lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong khi đó theo UNWTO, lượng khách quốc tế đến châu Á và Thái Bình Dương tăng khoảng 6%, đến Đông Nam Á tăng khoảng 5%. Dự kiến cả năm 2019 du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 720.000 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã đặt ra từ đầu năm.
Cùng với những số liệu khả quan về lượng khách và tổng thu từ khách du lịch thì hạ tầng ngành du lịch cũng được quan tâm, đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, nhất là khách du lịch cao cấp. Đến nay, cả nước có 29.000 cơ sở lưu trú với 590.000 buồng, trong đó có 166 khách sạn 5 sao với 56.542 buồng, 291 khách sạn 4 sao với 38.771 buồng lưu trú.
Các thương hiệu quốc tế lớn về khách sạn của thế giới đều đã hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như Accor, Marriot, Hyatte, Intercontinental, HG, Four Seasons; nhiều dự án du lịch quy mô lớn với chất lượng và đẳng cấp quốc tế do các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư được khởi công xây dựng, hoàn thiện và đưa vào khai thác tại các địa phương như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, Sa Pa…đã góp phần thay đổi hình ảnh và nâng cao chất lượng của du lịch Việt Nam; tạo động lực, đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả nước.
Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam có những chỉ số còn ở mức thấp. Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như công tác xúc tiến quảng bá chưa đạt hiệu quả, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa được vận hành và đi vào hoạt động, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách du lịch ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế…
Còn từ góc độ Văn phòng Chính phủ, cơ quan tham mưu, tổng hợp cho lãnh đạo Chính phủ về nhiều mặt phát triển kinh tế xã hội và quản trị nhà nước, ông Nguyễn Cao Lục, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: Chúng ta đã có sự phát triển nhưng không thể bằng lòng ở thời điểm này. Bên cạnh những thành tựu bước đầu, ngành du lịch – dịch vụ – hàng không Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện và dư địa để chúng ta thúc đẩy, phát triển những ngành này còn vô cùng lớn. Tuy nhiên, có không ít rào cản, thách thức chúng ta đã và đang phải đối mặt hoặc đánh giá được có thể xảy ra trong một lộ trình gần.
Ông Nguyễn Cao Lục cũng nhấn mạnh việc tổ chức Diễn đàn, chủ động bàn thảo để nhận diện rõ nét mọi rào cản, thách thức cũng như cùng nhau tìm kiếm các giải pháp trên tinh thần hợp tác là lựa chọn đúng đắn của các bên.
Kết thúc Diễn đàn, Văn phòng Chính phủ sẽ có một báo cáo để trình những kiến nghị của Diễn đàn này tới Chính phủ, với mong muốn giúp ngành Du lịch Việt Nam có bước tiến mới trong thời gian tới.
Nguồn: http://baovanhoa.vn/